Vì sao nhiều đại gia bất động sản ồ ạt gom quỹ đất lớn tại Long An?

Ngày đăng: 08:35 AM 21/03/2020 - Lượt xem: 13367

Vì sao nhiều đại gia bất động sản ồ ạt gom quỹ đất lớn tại Long An?

Long An được xem là địa phương vệ tinh đón đầu xu thế giãn dân và thu hút đầu tư nhằm giảm áp lực cho TP.HCM. Chính vì vậy, sau những cái tên quen thuộc như Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa…hàng loạt ông lớn khác như Vingroup, Becamex, Him Lam, BRG, Ecopark, Becamex đang đổ bộ vào địa phương này lập các dự án đại đô thị.

Với khoảng 100km giáp ranh TP.HCM, Long An hiện đang nổi lên như một đô thị vệ tinh chiến lược trong bối cảnh TP.HCM ngày càng đối diện với tình trạng quá tải về dân số, đặt ra vấn đề bức thiết là nhu cầu giãn dân ra ngoại thành ngày càng tăng cao. Đặc biệt, theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của Thành phố trong tương lai.

 

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây Long An đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, kết nối giữa các tuyến theo trục dọc giữa TP.HCM và Long An đang được cải thiện rõ nét.

 

Cụ thể, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến quốc lộ N1, N2…

 

Là "dấu gạch nối" giữa TP.HCM và ĐBSCL, Long An tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc cho kế hoạch phát triển toàn diện. Bên cạnh  các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã đi vào hoạt động, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ thông xe vào năm 2020. Tuyến đường này sẽ kết nối các huyện Bến Lức, Cần Giuộc với huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai. Đồng thời, dự án cũng tạo ra một trục phát triển mới gắn kết Long An với hệ thống cảng quốc tế Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành…

 

Ngoài ra, còn có ba công trình trọng điểm khác được triển khai trên địa bàn Long An như trục động lực TP.HCM - Tiền Giang - Long An, đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức, đường vành đai thành phố Long An. Tất cả mở ra cho Long An cơ hội đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị vệ tinh giúp TP.HCM giãn dân về phía Tây và Tây Nam.

 

Trong đó, Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) đang là khu vực dẫn đầu lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản nhờ vị trí giáp ranh TP.HCM, cách Phú Mỹ Hưng chỉ khoảng 10 phút di chuyển, liền kề các khu công nghiệp sạch, cụm cảng quốc tế Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An.

 

Không chỉ riêng xã Long Hậu, nhiều khu vực khác trên toàn Cần Giuộc cũng đang đón đầu làn sóng di cư và đầu tư đổ về từ khu Nam Sài Gòn nhờ sự đầu tư tâm huyết và bài bản về hạ tầng.Trong đó, một cú hích lớn cho Cần Giuộc là các dự án mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ lên 6 - 8 làn xe và nâng lộ giới đường Lê Văn Lương 40m, đồng thời xây mới 4 cây cầu trên tuyến này gồm Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Dự kiến khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cần Giuộc về Bến Thành sẽ được rút ngắn chỉ còn 20 - 25 phút.

 

Cùng với sự đột phá về hạ tầng, Long An cũng là địa phương sở hữu quỹ đất còn tương đối lớn, dân số trẻ cùng các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ. Đây là những yếu tố hứa hẹn Long An sẽ là một đô thị vệ tinh quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể trung tâm kinh tế TP.HCM trong tương lai, giúp TP.HCM giãn dân về phía tây và tây nam.

 

Nắm bắt được tiềm năng phát triển bất động sản của Long An, thời gian gần đây ngoài những cái tên quen thuộc như Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa, Đồng Tâm Long An...Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group, Danh Khôi, Him Lam, Sea Holdings…

 

Cụ thể, Tập đoàn VinGroup đang lập quy hoạch xây dựng khoảng 4.000ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức và 2 dự án khoảng 1.100ha tại thị trấn Hậu Nghĩa và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa.

 

Tập đoàn Eco Land (Ecopark Hưng Yên) đang lập quy hoạch xây dựng 6.000ha tại xã Thạnh Lợi và 1.000ha tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức.

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG đã khảo sát đề xuất đầu tư 5 dự án, gồm: Dự án sân golf 18 lỗ, dự án khu phụ trợ và khách sạn cao cấp 80ha, dự án Khu vui chơi giải trí - Trung tâm thương mại - đô thị - du lịch 58ha, dự án trồng chuối xuất khẩu công nghệ nước ngoài 100ha, dự án trồng lúa năng suất cao và nhà máy chế biến gạo xuất khẩu 100ha. Ngoài ra, tập đoàn BRG dự định đầu tư Dự án điện năng lượng mặt trời 50ha.

 

Mới đây, Công ty cổ phần Him Lam đã đề xuất thành lập khu kinh tế mở quy mô đến 32.000 ha trên địa bàn Cần Giuộc và Cần Đước. Trong đó bao gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế và khu đô thị.

 

Cũng tại Cần Giuộc, Cty TNHH Hoàng Cầu Việt Nam (Đài Loan) đã lập Dự án đầu tư 831ha. Trong đó, Dự án về đô thị - thương mại và tái định cư khoảng 700ha được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, còn Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 100ha nhà đầu tư đang lập thủ tục đầu tư.

 

Không đứng ngoài cuộc chơi, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã được chính quyền Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án. Tính chung diện tích của các dự án này lên đến hơn 2.100 ha. Ngoài ra, còn một số dự án đầu tư lớn khác UBND tỉnh đã có văn bản ghi nhận do chưa có quy hoạch sử dụng đất phù hợp.

 

Cùng với đó, Tập đoàn Becamex (IDC-VSIP) cũng đang triển khai lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ với diện tích 3.045ha tại huyện Bến Lức; dự kiến, cuối tháng 10/2019 sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

Ngoài ra, dự án Cảng quốc tế Long An với diện tích 147ha đã được giao đất, nhà đầu tư quy hoạch 7 cầu cảng với công suất 15 triệu tấn hàng hóa/năm đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 cầu cảng, hiện đang triển khai cầu cảng số 3.

 

Có thể nói, chưa bao giờ nhiều "ông lớn" đổ về Long An cùng một lúc như hiện nay, đặc biệt là tại khu vực 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa – khu vực được quy hoạch là đô thị vệ tinh của TP.HCM.

 

Nguồn: http://cafef.vn