Na và công dụng của quả na (cây mãng cầu ta), độc tính của hạt na

Ngày đăng: 05:55 AM 17/09/2021 - Lượt xem: 2122

Quả na được ưa chuộng như vậy là nhờ vào lớp cơm quả trắng phao, mềm dai và ngọt thanh, thơm ngon không thua gì măng cụt. Ở miền Nam nước ta, cây na được trồng khá nhiều và đây cũng là loại cây rất sai quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú ý đến ứng dụng làm thuốc của quả na và các bộ phận khác của cây (cũng như độc tính của nó).

Vài nét về cây na

Cây na (tên gọi ở miền Bắc), tức mãng cầu, mãng cầu ta (tên gọi ở miền Nam) có tên khoa học là Annona squamosa, thuộc họ Na: Annonaceae (2). Cây còn có các tên gọi khác như: mãng cầu dai, sa lê, phan lệ chi, lỗ cổ, mác kiếp (dân tộc Tày)…

Na là cây ăn quả thân gỗ, sống lâu năm, cao từ 2 – 8 m và phân cành nhiều. Lá na có hình bầu dục dài, mọc so le và có màu lục nhạt. Hoa na mọc ở kẽ lá và rủ xuống, có màu lục nhạt. Quả na là dạng quả kép, được tạo thành từ nhiều quả nhỏ (tức các múi thịt chứa hạt đen bên trong). Có hai giống na thường gặp là na bở và na dai, trong đó na dai cho quả ngon hơn.

Công dụng của quả na (mãng cầu ta)

Quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, tiêu khát, tiêu đờm, tiết tinh, hạ khí, quả xanh làm săn da và tiêu sưng (3) (5):

“Lỗ Cổ tên thực là quả Na (mãng cầu ta)

Tiêu đờm, thông bĩ, mạnh Tỳ gia

Làm vững chân nguyên giúp chân khí

Ăn nhiều khí huyết cũng thêm ra.” (4).

(Hải thượng y tông tâm lĩnh)

Công dụng của quả na: Trong làm thuốc, quả na điếc (quả đang sinh trưởng thì bị một loài nấm làm hỏng, xác khô lại) được dùng điều trị kiết lỵ bằng cách đốt tồn tính khoảng 20 g rồi sắc chung với 50 g ngọn cỏ lào non và 30 g gạo tẻ đã rang thật vàng (sắc uống làm 3 lần trong ngày). Ngoài ra, quả na điếc còn được dùng điều trị sưng nhọt ở vú (phơi thật khô, tán bột rồi hòa với giấm để bôi lên da) (3).

Hạt na rất độc hại

Công dụng của lá, rễ và hạt ra

Rễ na: Rễ na tính độc, được dùng để tẩy giun bằng cách lấy khoảng một nắm rễ tươi, rửa sạch, sao lên rồi sắc uống (3) (5).

Hạt na: Khi ăn na, nếu lỡ nuốt hạt thì vẫn an toàn vì lớp vỏ hạt dày nhưng nhân hạt na lại rất độc, được dùng để làm thuốc diệt côn trùng, trừ cháy rận nhưng cũng không phổ biến, hơn nữa cũng cần cẩn trọng để tránh tiếp xúc với mắt và thực phẩm. Do đó, khi dùng quả na làm thuốc, cần loại bỏ các hạt của chúng (3) (5).

Lá na: Lá na có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, do đó, lấy lá na và lá bồ công anh tươi với tỉ lệ bằng nhau, giã nát và đắp lên sẽ giúp giảm sưng vú. Bên cạnh đó, lá na còn được dùng điều trị sốt rét bằng cách rửa sạch, sắc lấy nước uống (người lớn dùng 20 lá, trẻ con dùng 10 lá, uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ và một lần mỗi ngày). Ngoài ra, cũng có thể sắc uống kết hợp lá na (15 g) với các vị thuốc như ngải cứu (10 g) và thạch sương bồ (8 g), mỗi ngày 1 thang để điều trị sốt rét (3) (6).

Một số nghiên cứu về cây na

  • Theo tạp chí Singapore medical journal, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá na có tác dụng chống o xy hóa, kiểm soát đường huyết, phòng ngừa và điều trị tiểu đường cũng như ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường (7).
  • Theo tạp chí Process biochemistry, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất lá na còn có tác dụng chống lại tế bào ung thư vú ở người (dòng tế bào MCF – 7) (8).
  • Theo tạp chí Phytomedicine, chiết xuất từ vỏ cây na có tác dụng giảm đau và chống viêm tương đương với thuốc tiêu chuẩn (9).

 Nguồn: https://caythuoc.org/