Quân – Thần – Tá – Sứ’ trong đơn thuốc Đông y thực chất là gì?

Ngày đăng: 11:10 AM, 21/07/2021 - Lượt xem: 950

Thoạt nhìn một thang thuốc Đông Y, nhiều người phát hoảng vì thấy giống như một “đống cành, lá, củ quả…”, mỗi thứ một chút dường như lộn xộn không có quy luật và độ chính xác như Tây dược. Thực ra không phải thế, mà đúng ra là đều có quy luật tinh vi, vị thuốc này nâng đỡ mở đường cho vị thuốc kia phát huy hết mức công dụng…

 

 

Vậy “quân”, “thần”, “tá”, “sứ” thực chất là gì?

 

“Quân – Thần – Tá – Sứ” thực ra chỉ là những tên gọi (thuật ngữ), phản ánh những chức năng chính, của các thành phần cấu tạo nên đơn thuốc (phương thuốc, bài thuốc) Đông y.

Các vị thuốc trong phương thuốc Đông y không kết hợp với nhau một cách tùy tiện – theo kiểu “chất đống”. Mà phối hợp với nhau theo những quy tắc, với một trật tự rất nghiêm ngặt, trong đó có chủ, có thứ, có chính, có phụ, giống như vai trò của ông vua cùng với các chức quan, trong một vương quốc thời xưa. Cách phối hợp các vị thuốc như vậy gọi là “phối ngũ”.

Một phương thuốc tiêu biểu, bao gồm 4 thành phần chức năng chủ yếu, gọi tên là “quân”, “thần”, “tá”, “sứ”:

1.Quân – quân dược, còn thường gọi là “chủ dược”:

 

Đây là vị thuốc quan trọng nhất trong một phương thuốc, có tác dụng giải trừ nguyên nhân bệnh và chữa trị triệu chứng chính. Đó là vị thuốc không thể thiếu trong một phương thuốc và được sử dụng với liều lượng lớn hơn các phần tử khác. Vị thuốc này có vai trò như ông vua trong một quốc vương, nên người xưa gọi là “quân dược”. Một phương thuốc nhỏ, thông thường chỉ có một chủ dược, giống như một quốc gia chỉ có một vua. Tuy nhiên, trong các phương thuốc lớn, có thể có tới hai hoặc vài “quân dược”.

 

2. Thần – thần dược, còn gọi là “phụ dược”:

 

Đây là vị thuốc có tác dụng phụ trợ cho vị thuốc chính; giống như vị tể tướng, phụ tá nhà vua. Một đơn thuốc phức tạp, thường bao gồm nhiều vị “thần dược”; còn phương thuốc đơn giản, lại có thể không có “thần dược”. Như vậy, trong một “vương quốc” có thể không có, hoặc có thể có vài tể tướng.

 

3. Tá – tá dược:

 

Là vị thuốc có tác dụng hiệp trợ, hỗ trợ quân dược (chủ dược) và thần dược (phụ dược) trị liệu những kiêm chứng, hoặc giải trừ một số chứng trạng cá biệt thứ yếu. “Tá dược” có vai trò giống như những vị thượng thư, phụ tá cho vua và tể tướng đảm nhiệm công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, “tá dược” còn có tác dụng tiêu trừ hoặc làm giảm độc tính và tác dụng phụ của các vị thuốc chính (“chủ dược” và “phụ dược”).

 

4. Sứ – sứ dược:

 

Có hai tác dụng chính; một là dẫn thuốc (dẫn kinh báo sứ), đưa thuốc đến ổ bệnh, để tập trung tác dụng trị liệu; hai là điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. “Sứ dược” có vai trò như một vị quan sứ, để vua sai phái, truyền đạt mệnh lệnh của triều đình.

Ví dụ bài thuốc “Ma hoàng thang”

 

 

Thành phần bao gồm: Ma hoàng 9g, quế chi 6g, hạnh nhân 9g, cam thảo nướng 3g.

 

Đây là bài thuốc tiêu biểu, dùng chữa ngoại cảm phong hàn, với các triệu chứng sợ rét phát sốt, không mồ hôi mà suyễn thở.

 

Trong phương thuốc này “ma hoàng” đóng vai trò “chủ dược“, là vị thuốc có tác dụng tân ôn giải biểu tương đối mạnh. “Quế chi” đóng vai trò “phụ dược“, cũng là vị thuốc có tác dụng phát hãn giải biểu, dùng để phụ trợ cho “ma hoàng”. “Hạnh nhân” đóng vai trò “tá dược“, sử dụng để chữa trị suyễn, một kiêm chứng thường gặp khi bị cảm lạnh. “Cam thảo” là “sứ dược“, có tác dụng điều hòa các vị thuốc, làm giảm bớt dược tính mãnh liệt của “ma hoàng”.

 

Một phương thuốc nếu không có tổ chức theo trật tự chặt chẽ như trên, sẽ chỉ là một đám ô hợp. Tuy nhiên, cũng không nên quá câu nệ vào cấu trúc “Quân – Thần – Tá – Sứ”. Khi lập thành phương thuốc, chủ yếu cần xác định chính xác nguyên nhân và chủ chứng của bệnh, dựa vào đó để chọn “chủ dược”. Tiếp đó, có thể lựa chọn thêm một số vị thuốc có tác dụng tăng cường tác dụng của “chủ dược”, hoặc để làm giảm độc tính của “chủ dược”, hay để trị liệu một số kiêm chứng.

 

Thí dụ: nếu bị cảm lạnh, có thể sử dụng “tía tô”, “kinh giới”, “gừng tươi”… làm “chủ dược”; nếu bị cảm nóng, có thể sử dụng “kim ngân”, “tang diệp” (lá dâu tằm), “cúc hoa”… làm “chủ dược”; nếu có thêm chứng ho, có thể thêm “bách bộ”, “tang bạch bì” (vỏ trắng rễ dâu) làm “tá dược”… Còn để điều hòa các vị thuốc có thể thêm một chút “cam thảo”. Vận dụng linh hoạt như vậy, là đã nắm được tinh thần của “Quân – Thần – Tá – Sứ”.

 

Một vấn đề cần lưu ý nữa là:

 

Trên thực tế lâm sàng, các phương thuốc thường được gia giảm, tùy theo đặc điểm thể chất và bệnh trạng của từng người bệnh, do đó tổ chức của “vương quốc thuốc” không còn hoàn toàn đồng nhất với “vương quốc người”. Do đó, ngày càng nhiều thầy thuốc cho rằng, nên thay “quân dược” bằng “chủ dược”, “thần dược” bằng “phụ dược”; chứ không nên dùng các từ “quân”, “thần” của khoa học xã hội để gọi tên các phần tử trong đơn thuốc, một lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên.

Hiện tại, trong nhiều tài liệu về Đông dược, thuật ngữ “Quân – Thần – Tá – Sứ” thường được thay thế bằng “Chủ – Phụ – Tá – Sứ”.

 

NGUỒN : vanhoaphuongdong.vn

Mất Phong Độ ...Chuyện  Đàn Ông Cần Biết

Mất Phong Độ ...Chuyện Đàn Ông Cần Biết

11:26 AM, 21/07/2021
Chưa đến tuổi 50 đã gặp rắc rối với bộ phận sinh dục? Hãy nhanh chóng gõ cửa phòng khám của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Tình trạng rối loạn cường dương (erectile dysfunction (ED) là tín hiệu rõ ràng cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim (cardiac infarction)…
Người xưa dùng hương liệu để phòng chống dịch như thế nào?

Người xưa dùng hương liệu để phòng chống dịch như thế nào?

12:33 PM, 26/07/2021
Ngoài huân hương, người xưa còn mang theo túi thơm bên mình. Có thể nói, túi thơm là bảo bối phòng chống dịch bệnh bất li thân của cổ nhân. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngăn chặn tà khí xâm nhập, biện pháp tốt là cần mang theo chính khí của Trời đất.
Chưa Đến Chợ Đã Hết Tiền

Chưa Đến Chợ Đã Hết Tiền

11:14 AM, 21/07/2021
Để khắc phục hiện tượng xuất tinh sớm, cần có sự hợp tác của cả bạn tình. Trong các kỹ thuật cụ thể chữa xuất tinh sớm được mô tả dưới đây, vai trò của người vợ đều là yếu tố rất quan trọng, thậm chí có tính quyết định.