9 tác dụng của tinh dầu khuynh diệp và lưu ý khi dùng

Ngày đăng: 11:59 AM, 07/03/2020 - Lượt xem: 12.3k

Tinh dầu khuynh diệp có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe, chẳng hạn như làm giảm nghẹt mũi, chống nhiễm trùng, kháng nấm…

Việc sử dụng tinh dầu để chăm sóc cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đã được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ cũng như nhiều nền y học khác nhau. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các chiết xuất thực vật mang đến, đặc biệt là tinh dầu khuynh diệp.

Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ bật mí 9 tác dụng nổi bật mà loại dầu này mang đến cũng như các lưu ý khi sử dụng để tránh lợi bất cập hại.

9 công dụng của tinh dầu khuynh diệp

1. Tinh dầu khuynh diệp trị ho

Từ lâu, dầu khuynh diệp đã được dùng để giảm các tình trạng ho tạm thời hoặc mạn tính. Ngày nay, có nhiều loại thuốc ho không kê đơn chứa chiết xuất từ khuynh diệp nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.

Một cách sử dụng khá phổ biến là xoa nhẹ dầu lên khu vực ngực và cổ họng để làm giảm các triệu chứng ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường.

2. Làm ấm ngực và long đờm

Bạn muốn ho nhưng dường như không thể nên rất khó chịu? Tinh dầu chiết xuất từ lá khuynh diệp không chỉ có khả năng làm dịu cảm giác ho mà còn mang đến tác dụng long đờm.

Ngửi trực tiếp tinh dầu từ lọ hoặc khuếch hương thơm sẽ khiến khu vực cổ họng được thư giãn, hóa lỏng đờm nhằm giúp bạn đào thải chất nhầy dễ dàng hơn.

3. Xua đuổi muỗi và côn trùng

Muỗi và các loại côn trùng khác mang những căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta. Do vậy, việc xua đuổi hoặc tiêu diệt chúng là điều cần thiết cũng như nên  làm. Các loại thuốc xịt hóa học tuy rất phổ biến, công hiệu nhưng cũng chứa nhiều thành phần mạnh, dễ gây kích ứng da nếu tiếp xúc phải.

Vì thế, việc dùng tinh dầu đuổi muỗi, chẳng hạn như tinh dầu bạch đàn được ưa chuộng hơn cả bởi không những bạn có thể thoải mái sinh hoạt trong nhà mà vẫn ngăn không cho côn trùng dám đến gần.

4. Khử trùng vết thương

Những thổ dân Úc đã sử dụng lá khuynh diệp để điều trị vết thương cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngày nay, nhiều người dùng tinh dầu chiết xuất từ lá khuynh diệp pha loãng bôi trên da nhằm chống viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

5. Giảm nghẹt mũi

Các tình trạng hô hấp như nghẹt mũi hoặc viêm xoang có thể được giảm nhẹ bằng cách xông hơi và cho thêm một vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào chậu nước nóng.

Dầu phản ứng với màng nhầy, do vậy biện pháp này không những làm giảm chất nhầy ở khoang mũi mà còn giúp cơ thể dễ dàng đào thải chúng ra bên ngoài hơn.

6. Tinh dầu khuynh diệp trị đau đầu

Dầu khuynh diệp là một trong những loại tinh dầu tốt nhất để làm giảm cơn đau đầu vì nó có thể làm giảm áp lực lên vùng xoang, nguyên nhân khiến bạn bị khó chịu. Tinh dầu cũng có các đặc tính tăng cường sức khỏe tinh thần và thúc đẩy thư giãn các cơ mặt đang bị căng thẳng.

7. Hỗ trợ cho bệnh viêm tai

Tinh dầu chiết xuất từ khuynh diệp hoạt động như một chất kích thích giúp làm thông thoáng đường hô hấp. Bên cạnh đó, đặc tính kháng khuẩn của dầu cũng sẽ giúp làm giảm hiện tượng tích tụ chất lỏng bên trong tai do bệnh viêm tai gây ra, cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng tai và đau tai.

8. Giảm đau cơ và vết bầm

Bên cạnh làm giảm đau đầu thì tinh dầu chiết xuất từ khuynh diệp cũng mang đến tác dụng tương tự đối với tình trạng đau cơ bắp hoặc vết bầm tím. Biện pháp xoa bóp đều đặn bằng dầu sẽ giúp tăng cường lưu thông máu đến khu vực bị ảnh hưởng, qua đó mang đến hiệu quả làm dịu, giảm đau.

9. Hơi thở có mùi thơm mát

Bạc hà không phải là vũ khí duy nhất chống lại tình trạng hôi miệng. Do đặc tính kháng khuẩn mà tinh dầu khuynh diệp có thể được sử dụng để chống lại vi trùng khiến hơi thở có mùi. Ngoài ra, dầu còn giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trên răng và nướu bằng cách tấn công các vi khuẩn gây sâu răng.

Mẹo hay để dùng tinh dầu khuynh diệp

♥ Khử trùng khu vực sinh hoạt: Cho 20 giọt dầu khuynh diệp vào một bình xịt chứa đầy nước. Lắc đều, xịt lên các bề mặt mà bạn và các thành viên trong gia đình hay tiếp xúc hoặc khuếch tán 5 giọt dầu bằng máy khuếch tán để diệt phần nào vi trùng.

♥ Ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc: Thêm 5 giọt dầu khuynh diệp vào máy hút bụi hoặc nước lau nhà để kìm hãm sự phát triển của nấm mốc trong nhà bạn.

♥ Đuổi chuột: Thêm 20 giọt dầu khuynh diệp vào một bình xịt chứa đầy nước và phun lên các khu vực dễ bị chuột ghé thăm, chẳng hạn như các lỗ nhỏ trong nhà, các hộc tủ… Bạn nên thật trọng nếu trong nhà có nuôi mèo, vì dầu khuynh diệp có thể gây khó chịu cho chúng.

♥ Cải thiện tình trạng dị ứng theo mùa: Khuếch tán 5 giọt tinh dầu khuynh diệp tại nhà hoặc nơi làm việc hoặc dùng 2 – 3 giọt dầu  bội lên thái dương và ngực.

♥ Giảm ho: Trộn đều tinh dầu bạc hà và khuynh diệp theo tỷ lệ bằng nhau. Sau đó bôi lên ngực và phía sau cổ.

♥ Chữa nghẹt mũi: Đổ một cốc nước sôi vào bát và thêm 1 giọt tinh dầu khuynh diệp vào đó. Sau đó dùng một chiếc khăn bông lớn để trùm dầu và xông. Khi xông, bạn nên hít thở sâu trong 5 đến 10 phút.

♥ Làm giảm đau họng: Thoa 2 giọt dầu khuynh diệp lên ngực và cổ họng hoặc khuếch tán 5 giọt tại nhà, nơi làm việc.

♥ Chữa viêm tai: Bôi 2 giọt tinh dầu khuynh diệp vào sau gáy và phía sau tai cũng như phần ngoài của ống tai. Lưu ý là nếu dùng cho trẻ, bạn nên pha loãng dầu.

♥ Tăng cường hệ thống miễn dịch: Hãy kết hợp khuynh diệp, tinh dầu đinh hương, chanh, tinh dầu quế và hương thảo. Bạn cũng có thể khuếch tán 5 giọt dầu khuynh diệp tại nhà hoặc nơi làm việc.

♥ Giảm kích ứng da: Nhỏ 2 giọt dầu chiết xuất khuynh diệp vào một miếng bông sạch và chà lên khu vực bị kích ứng từ 2 – 3 lần mỗi ngày cho đến khi vấn đề được giải quyết.

♥ Làm dịu vết côn trùng cắn: Thoa 2 giọt dầu khuynh diệp vào một miếng bông sạch và bôi lên vết côn trùng cắn ba lần mỗi ngày cho đến lúc vết sưng dịu đi hoàn toàn.

♥ Tăng cường năng lượng: Bạn hãy khuếch tán 5 giọt dầu khuynh diệp tại phòng ngủ hoặc dùng 2 giọt dầu để thoa trên thái dương và sau gáy. Biện pháp này cũng có thể được áp dụng để giảm đau đầu nữa đấy.

♥ Chữa hôi miệng: Tận dụng tinh dầu như một loại nước súc miệng tự nhiên bằng cách thêm 1 – 2 giọt vào nước và súc miệng 2 lần sáng tối.

Lưu ý khi sử dụng tinh dầu khuynh diệp

Tinh dầu chiết xuất từ khuynh diệp không an toàn nếu được sử dụng bằng đường uống. Do đó, bạn chỉ nên ngửi hoặc bôi ngoài da. Nếu bạn sử dụng dầu cho mục đích chăm sóc sức khỏe răng miệng, hãy cố gắng tránh việc nuốt vào.

Những người có làn da nhạy cảm nên pha loãng tinh dầu này với một loại dầu nền khác (như dầu thầu dầu hoặc dầu jojoba) trước khi sử dụng nó trên da. Bạn cũng nên pha loãng dầu khuynh diệp trước khi bôi tại chỗ cho trẻ nhỏ và tránh sử dụng trên mặt vì có thể gây khó chịu.

Đã có những trường hợp ngộ độc hoặc kích ứng da tinh dầu khuynh diệp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do vậy, bạn cần hết sức lưu tâm khi cho trẻ sử dụng.



Nguồn: Phương Uyên/HELLO BACSI

 

Tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe và làm đẹp

Tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe và làm đẹp

11:40 AM, 07/03/2020
Tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe và làm đẹp Tinh dầu sả có tác dụng đối với cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần đều rất tuyệt vời ngoài ra nó còn có tác dụng làm đẹp cho chị em phụ nữ.
Linh chi Trường Sinh_Thiên nhiên là mạch nguồn của sự sống và sức khỏe

Linh chi Trường Sinh_Thiên nhiên là mạch nguồn của sự sống và sức khỏe

12:10 PM, 26/07/2021
Với bề dày hơn 10 năm nuôi trồng, các kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm của Trường Sinh luôn chăm sóc và thu hoạch Linh chi đúng thời điểm đầy đủ dược tính nhất. Đặc biệt, không chỉ dược tính được giữ nguyên mà bào tử linh chi cũng được giữ nguyên.
Cách nhận biết tinh dầu bưởi nguyên chất

Cách nhận biết tinh dầu bưởi nguyên chất

11:47 AM, 07/03/2020
Đôi khi nếu không phải là một khách hàng tinh ý và sành điệu về các loại tinh dầu bạn sẽ khó mà nhận biết được đâu là loại tinh dầu chất lượng. Sau đây là một vài gợi ý nho nhỏ hy vọng có thể giúp các bạn nắm được bí quyết chọn lựa tinh dầu bưởi...
Củ khoai và quả bầu giúp đẹp da, xổ độc đường ruột, hết táo bón

Củ khoai và quả bầu giúp đẹp da, xổ độc đường ruột, hết táo bón

05:52 AM, 17/09/2021
“Năm ngoái em trồng khoai lang có dây không củ Năm nay em trồng khoai lũ có củ quên đào Em gặp anh đây quên hỏi quên chào Anh có thương đừng trách, trách thời đừng thương.” (Ca dao)