Đặc Sản Miền Tây- Cần Thơ

Ngày đăng: 03:25 PM 17/12/2019 - Lượt xem: 12955

Trái cây Miền Tây- Cần Thơ 

Cam mật Phong Điền

Nằm ở phía Nam và cách Trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 16 km, huyện Phong Điền thuận lợi về giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ. Đã thế, nơi đây còn có nhiều thắng cảnh chân quê đi vào thơ ca, vào tiềm thức: Chợ nổi Phong Điền, Di tích văn hoá Phan Văn Trị, Khu du lịch Mỹ Khánh…

Phong Điền còn được mệnh danh là Vương quốc trái cây với đủ các loại đặc trưng của miền Tây sông nước. Nhưng trong đó, đáng kể nhất là cam mật Phong Điền, dâu Hạ Châu, mít nghệ siêu sớm và mít tứ quý da xanh. Đến Phong Điền mà chưa được thưởng thức những đặc sản trên thì quả là một thiếu xót.

Cam mật Phong Điền được biết đến vào những năm 1950-1960 và trở thành sản vật đặc trưng của miệt vườn nơi đây.
Đây là loại đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước, không lẫn vào đâu được với những đặc trưng rất lạ: hương vị thơm ngon, vỏ sáng óng, múi to hạt nhỏ, màu xanh tự nhiên bắt mắt người tiêu dùng.

Dâu Hạ Châu

Người Phong Điền rất tự hào với dâu Hạ Châu, xem đó là đặc sản độc đáo quê đất xứ mình không đâu có được.
Dâu Hạ Châu trồng 4 năm thì thu hoạch, trái tròn lớn có vỏ màu trắng ửng vàng. Một cây dâu mỗi năm cho khoảng 70-80kg trái.

Chỉ ở đất Phong Điền, cây dâu mới cho trái ngọt, còn từ trước đến nay, người ta nghe tới dâu là nghĩ ngay đến vị chua và không mấy thích. Nhưng họ sẽ thay đổi khi được thưởng thức đâu Hạ Châu, loại trái có vị ngọt thanh, thơm và bên ngoài trông rất giống trái bòn bon.

Mùa dâu cũng là mùa du lịch sinh thái ở Phong Điền. Du khách đến đây được nhìn ngắm những cành dâu vàng ươm. Ngồi dưới những cành dâu mát rượi, thỉnh thoảng lại đón nhận một làn gió mát giữa trưa hè, tiện tay hái vài trái dâu để thưởng thức thì còn gì bằng!

Mít

Phong Điền còn được biết đến với mít nghệ siêu sớm có gốc tận miền Đông Nam Bộ. Sau 18 tháng trồng, cây sẽ cho trái, nặng bình quân 10-15kg/trái, có trái nặng tới 20kg.

Xẻ trái mít nghệ siêu sớm ra, không thể phân biệt được đâu là múi đâu là xơ, đặc biệt xơ mít ăn cũng ngon như cơm mít.

Phong Điền còn nổi tiếng với một loại mít. Đó là mít tứ quý da xanh, loại mít có mặt suốt 4 mùa trong năm. Với thời gian một năm rưỡi cây sẽ cho trái thu hoạch. Bình quân mỗi trái nặng khoảng 10kg, có trái nặng đến 18kg. Mít có vỏ xanh ruột đỏ hấp dẫn mọi du khách khi thưởng thức.

Phong Điền còn nổi tiếng với một loại mít. Đó là mít tứ quý da xanh, loại mít có mặt suốt 4 mùa trong năm. Với thời gian một năm rưỡi cây sẽ cho trái thu hoạch. Bình quân mỗi trái nặng khoảng 10kg, có trái nặng đến 18kg. Mít có vỏ xanh ruột đỏ hấp dẫn mọi du khách khi thưởng thức.

Là giống mít mới từ Malaysia, ruột bên trong của nó không phải màu vàng mà là màu đỏ. Hương vị rất thơm ngon và độc đáo. Ông Võ Văn Mau ngụ ở quận Bình Thủy là người đầu tiên trồng loại mít này và sau đó phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

Trái cây Phong Điền không những mang lại thu nhập rất cao và ổn định cho hàng ngàn nông bộ, mà còn tôn tạo thêm nét duyên dáng thơ mộng trữ tình cho một vùng quê đang khởi sắc và thay da đổi thịt hàng ngày.

Món ăn

Bánh tét lá cẩm

Là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp Tết hoặc đám giỗ.

Bánh tét lá cẩm cực kì đẹp với màu tím tươi. Người Cần Thơ đã sáng tạo, biến bánh tét thành nét riêng của xứ họ. Lá cẩm được nấu lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa, còn nhân làm từ thịt, trứng vịt muối thay vì đỗ và thịt heo như bình thường. Bánh tét lá cẩm nhìn đã thấy ngon, ăn vào càng thích. 

Vì tất cả nhân, vỏ bánh đều đã được sơ chế bằng cách xào nấu nên bánh chỉ cần nấu khoảng 4 đến 5 tiếng là chín. Khi ăn, cắt miếng bánh tét ra, nhìn đã thấy ngon mắt. Thử cắn một miếng, nếp dẻo quánh, cùng với vị ngọt thịt, hương thơm đặc biệt từ trứng muối càng tăng thêm hương vị cho bánh. Đây là món quà nên có nếu bạn đi Cần Thơ bởi chẳng đâu làm ra loại bánh tét lá cẩm ngon như ở đây dù cho cũng cùng nguyên liệu.

Bánh xèo
Là loại bánh làm từ bột gạo được tráng mỏng trên chảo dầu nóng với các nguyên liệu làm nhân như: tôm, thịt, giá, đậu xanh...

Ở miền Tây, người ta không gọi là “làm” bánh xèo mà là “đổ” bánh xèo. Khi đổ, người ta múc một chén bột đổ vào một chảo gang nóng bừng, nghe “xèo” một tiếng, cái tên bánh "xèo" cũng có lẽ khởi nguồn từ âm thanh vui tai ấy. 

Loại bột để làm bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.

Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta mới tiếp tục cho nhân bánh vào. Nhân bánh thông thường gồm có: tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống, nhưng cũng có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng lại cho thêm củ hủ dừa và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ.

Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật mới làm tôn hương vị của món ăn nóng sốt này. Chính vì vậy, mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.

Bánh xèo ăn kèm với nhiều loại rau như: cải xanh, xà lách, cùng các loại rau thơm. Cũng như bánh cống, ăn bánh xèo đúng điệu phải dùng tay chứ không dùng đũa.

Lẩu mắm Dạ Lý

Nhà văn Nam Sơn – người được coi là “ông già Nam Bộ” cho rằng lẩu mắm có gốc từ mắm Châu Đốc, là món ăn của những người dân Việt khai khẩn đất hoang ngày xưa. Mắm kho là một món ăn quen thuộc của các gia đình nông dân vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, để có được một lẩu mắm ngon, vừa lòng thực khách không phải là chuyện dễ, nhưng quán Dạ Lý đã thành công và thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày với đủ thành phần.

Trước đây, mắm của quán được mua từ nhiều nguồn như: Châu Đốc, Cà Mau … nhưng bây giờ để đảm bảo ngon và hợp vệ sinh thì nhà hàng tự làm lấy. Cá sặc – loại cá dùng để làm mắm được chị Liệt đặt mua từ Châu Đốc về, được đánh vảy làm sạch ướp với các loại gia vị như thính, đường thốt nốt… và mắt khóm (dứa), lá khế để mắm vừa thơm ngon, vừa có màu đỏ đẹp đặc trưng của Dạ Lý.Một lẩu mắm ngon, một phần phụ thuộc vào xuất xứ của mắm, cách pha, phần khác là nhờ vào sự đa dạng phong phú của các loại rau. Việc chọn loại mắm có chất lượng như thế nào đó sẽ quyết định chất lượng thành phẩm. Với mắm, không thể nào nói chính xác độ mặn ngọt, ngon dở mà tuỳ vật liệu sẵn có và khẩu vị nêm nếm của người nấu. Rau cũng vậy, hơn 35 loại rau có trong lẩu mắm Dạ Lý như: rau nhút, bông súng, cù nèo, so đũa, lục bình, bông bí, rau đắng, càng cua, ngó sen… đều được chị đặt mua trực tiếp từ những người nông dân để đảm bảo vừa tươi, vừa sạch.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong “nghề”, lẩu mắm Dạ Lý (số 89 đường 3/2 thành phố Cần Thơ) đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của người từ nhiều nơi khi đến Cần Thơ. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa biết hết Cần Thơ, chưa thưởng thức hết cái hương vị đất miền Tây, cũng như chưa biết hết sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.